Các phân ngành chính của Thư viện học Khoa_học_thư_viện

Thư viện học đại cương

Thư viện học đại cương nghiên cứu vai trò của thư viện trong hệ thống các cơ quan văn hóa, giáo dục, khoa học và sản xuất. Nghiên cứu những nguyên lý tổ chức sự nghiệp thư viện, những nguyên tắc xây dựng hệ thống, mạng lưới thư viện, phân định các loại hình thư viện. Tổ chức thư viện phục vụ có phân biệt cho từng nhóm đối tượng phục vụ khác nhau. Nghiên cứu chính sách, phương hướng, phát triển thư viện và các hình thức, phương pháp chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp thư viện.

Kho sách thư viện

Là một bộ phận cấu thành của thư viện học. Phần này nghiên cứu sâu về những nguồn tin tư liệu, các nguyên tắc bổ sung kho sách như: tính khoa học, tính kế hoạch, tính hợp lý, tính hiện đại và cập nhật của công tác bổ sung vốn tư liệu; Các hình thức bổ sung: bổ sung khởi đầu, bổ sung hiện tại, bổ sung hoàn bị. Nghiên cứu hệ thống cung cấp sách báo cho thưviện: cơ quan phát hành, chế độ nộp lưu chiểu văn hóa phẩm, trao đổi sách giữa các thư viện trong nước và quốc tế...

Nghiên cứu tổ chức các loại hình kho sách: kho khép kín (Kho chính, kho phụ, kho tạp chí, báo, kho tài liệu đặc biệt, kho lưu), kho mở (kho tự chọn)...; Phương pháp sắp xếp kho sách: Theo phân loại, theo trang khổ, theo đăng ký cá biệt...Đăng ký kho sách gồm: Đăng ký cá biệt, đăng ký tổng quát; Tổ chức bảo quản và kiểm kê kho sách của thư viện.

Mục lục thư viện

Mục lục thư viện là một phần của thư viện học. Phần này trình bày cách miêu tả và phân loại các ấn phẩm theo tên tác giả, tên sách, phương pháp miêu tả sách có nhiều tập, bộ tùng thư...Cách miêu tả ấn phẩm đặc biệt, miêu tả ấn phẩm định kỳ...Trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, để hòa nhập, trao đổi và giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới, cần thực hiện miêu tả theo theo tiêu chuẩn quốc tế, gọi tắt là ISBD (International Standard Bibliography Description).

Phân loại các ấn phẩm có trong kho thư viện, trước hết phải xác định nội dung của quyển sách, xác định công dụng của sách và vị trí của nó trong bảng phân loại, xác định ký hiệu phân loại của từng quyển sách...

Nghiên cứu phương pháp cấu tạo mục lục, có ba loại mục lục cơ bản:

  • Mục lục chữ cái: trong đó các ấn phẩm được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái họ, đệm, tên tác giả hoặc tên sách (Nếu không có tên tác giả).
  • Mục lục phân loại: trong đó các ấn phẩm được sắp xếp theo môn loại tri thức khoa học: tự nhiên, xã hội, nhân văn và tư duy...
  • Mục lục chủ đề: đối với các thư viện khoa học chuyên ngành, thư viện các trường đại học, các viện nghiên cứu... ngoài hai loại mục lục chữ cái và mục lục phân loại, cần xây dựng mục lục chủ đề, trong đó các ấn phẩm được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái tên gọi các chủ đề mà cuốn sách đó đề cập đến.

Hiện nay các nước trên thế giới coi mục lục là hệ thống tìm tin mang tính chất truyền thống, là phương tiện có hiệu quả để tuyên truyền, giới thiệu nội dung kho sách của thư viện, giúp độc giả chọn được sách hay, sách tốt nhanh chóng đúng yêu cầu. Mặt khác thư viện áp dụng công nghệ mới tin học hóa các loại hình mục lục đọc bằng máy MARC (MAchine Readable Catalogue).

Công tác độc giả

Nghiên cứu những nhiệm vụ, nội dung và nguyên tắc công tác bạn đọc. Vai trò của thư viện trong việc tự học góp phần nâng cao dân trí. Nghiên cứu hứng thú và nhu cầu của bạn đọc, hướng dẫn phương pháp đọc sách. Tổ chức hệ thống phục vụ bạn đọc: Phương pháp công tác với từng bạn đọc, phương pháp tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng, tổ chức các loại phòng đọc: Phòng đọc tổng hợp, phòng đọc chuyên ngành, phòng đọc tạp chí, phòng đọc quý hiếm, phòng đọc microcart, CD-Rom...Tổ chức các loại phòng mượn, phòng mượn giữa các thư viện, chi nhánh thư viện, thư viện lưu động, các trạm giao sách...

Tổ chức và quản lý thư viện

Là phần cơ bản của thư viện học. Bao gồm: Tổ chức lao động khoa học trong thư viện đại chúng và thư viện khoa học. Định mức tiêu chuẩn lao động trong từng loại hình thư viện.

Cơ cấu thư viện theo chức năng phù hợp với từng loại hình thư viện.Quản lý thư viện bao gồm quản lý kế hoạch công tác: kế hoạch dài hạn, kế hoạch năm, hàng quý, hàng tháng... kế hoạch cá nhân, kiểm tra đôn đốc hoàn thành kế hoạch.

Quản lý nhân sự có nghĩa là quản lý con người, quản lý nghề nghiệp chuyên môn để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ thư viện để có chính sách thích hợp, động viên tính năng động, sáng tạo của họ để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác.

Thống kê, báo cáo, ngân sách và hạch toán của thư viện. Quản lý toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng và bổ sung trang thiết bị hiện đại nhằm từng bước tự động hóa hoạt động của thư viện.

Lịch sử sự nghiệp thư viện

Nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển sự nghiệp thư viện. Nghiên cứu nội dung, hình thức, phương pháp và tổ chức sử dụng sách báo mang tính chất tập thể xã hội trong các chế độ xã hội khác nhau gắn liền với chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội đó.